Đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội khủng bố nói riêng là nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia và cả cộng đồng quốc tế, bởi lẽ hậu quả mà tội khủng bố gây ra không chỉ thiệt hại về người, tài sản mà nguy hại hơn là gây tâm lý lo sợ, hoang mang thường trực cho cả cộng đồng quốc tế.
Nhằm góp phần cung cấp thông tin pháp luật về chống khủng bố, nhóm tập thể tác giả gồm TS. Phạm Văn Lợi, CN. Võ Văn Tuyển, CN. Lê Thanh Bình do TS. Phạm Văn Lợi làm chủ biên đã sưu tầm, dịch và biên soạn cuốn sách "Pháp luật về chống khủng bố của một số nước trên thế giới".
Cuốn sách bao gồm hai phần với các nội dung: Giới thiệu các công ước, nghị định thư và nghị quyết về chống khủng bố; Pháp luật về chống khủng bố của một số nước trên thế giới như Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Philippines…
Tính cho đến thời điểm này, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế đã ban hành nhiều công ước, nghị định thư và nghị quyết về chống khủng bố quốc tế.
Là quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam cực lực lên án các hành vi khủng bố. Bằng hành động của mình, Việt Nam đã tham gia 08 trong số 12 công ước và đang tích cực chuẩn bị để tham gia các công ước còn lại. Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, và những chủ trương này đã được cụ thể hóa trong các bộ luật, luật quan trọng như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự… Với cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện và sự chỉ đạo thực hiện quyết liệt, không khoan nhượng, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả nhất định, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.
PV