Giới thiệu sách: "Y pháp trị quốc"

Kinh tế Trung Quốc đang đi trên một con đường nguy hiểm và có khả năng sẽ dẫn đến một cuộckhủng hoảng còn nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu. Nền kinh tế Trung Quốc thời gian gần đây bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề như: xuất hiện dấu hiệu suy giảm, tốc độ tăng trưởng tiếp tục lao dốc nhanh hơn những dự báo bi quan nhất, đầu tư quá nóng vào kết cấu hạ tầng và bất động sản tạo ra những khoản nợ khổng lồ,  nguy cơ gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính trong hệ thống ngân hàng, mô hình tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, tình trạng bất ổn xã hội do kinh tế suy giảm, sự quản lý theo pháp luật tương đối yếu kém... đã trở thành vật cản gây trở ngại to lớn cho việc phát triển kinh tế. Những thách thức hiện nay được đánh giá còn nghiêm trọng và ở mức độ lớn hơn nhiều so với những gì mà Trung Quốc phải đối đầu trước kia.

Trước những tình hình trên, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII được diễn ra từ ngày 20-10 đến ngày 23-10-2004. Đây là Hội nghị toàn thể BanChấp hành Trung ương đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc bàn về chủ đề Quản lý đất nước theo pháp luật, các hội nghị Trung ương 4 của các khóa trước chủ yếu bàn về việc tăng cường năng lực cầm quyền của Đảng. Hội nghị Trung ương 4 “chưa từng có” lần này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy toàn diện việc quản lý đất nước theo pháp luật, từ đó giúp tạo ra những luồng gió mới trong môi trường chính trị đang bộc lộ nhiều vấn đề, cũng như giúp giảm áp lực từ việc tốc độ tăng trưởng suygiảm và tình trạng nan giải trong việc chuyển đổi loại hình trong nền kinh tế nước này.

Trong bối cảnh không mấy sáng sủa như vậy, việc Trung Quốc đẩy mạnh pháp quyền được đánh giá là một bước đi đúng, không chỉ mang lại lợi ích về chính trị, xã hội mà còn về kinh tế. Quyết định tăng cường pháp trị sẽ tạo môi trường pháp lý tốt hơn để nước này đi sâu cải cách toàn diện, chống lại tình trạng “lợi ích nhóm”. Đáng chú ý, quyết định thúc đẩy pháp trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc còn được đánh giá là một bước đi tích cực nhằm làm giảm những căng thăng, mâu thuẫn chính trị và xã hội, bởi pháp trị sẽ giúp đẩy mạnh chống tham nhũng và hiện đại hóa hệ thống quản lý nhà nước.

Cuốn sách đề cập tới những nội dung cơ bản sau:

- Văn kiện Hội nghị Trung ương 4, khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, gồm: Thông cáo báo chí Hội nghị Trung ương 4 Khoá XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc; Toàn văn “Quyết định của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về các vấn đề quan trọng liên quan việc thúc đẩy toàn diện hệ thống pháp luật”; Tập bài phát biểu của Tổng Bí thư Tập Cận Bình.

- Quyết sách quan trọng của Hội nghị Trung ương 4 là vấn đề “Pháp trị”, tuy nhiên, tài liệu cũng phân tích, làm rõ “những vấn đề tồn tại được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 4” và nguyên nhân vì sao Hội nghị Trung ương 4 được tổ chức muộn hơn dự kiến.

- Chống tham nhũng hay cuộc đấu tranh giành quyền lực trong Đảng Cộng sản Trung Quốc? Qua những phân tích của các nhà bình luận quốc tế, dưới những góc nhìn khác nhau, nổi lên vấn đề chống tham nhũng trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, phong trào “đả hổ, diệt ruồi” đang lan rộng, có tới 182.000 quan chức các cấp đang bị điều tra, vụ Chu Vĩnh Khang phải chăng là cái cách để Tập Cận Bình củng cố quyền lực, phá bỏ quy tắc bất thành văn “không đụng đến Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị?”. Qua vụ này phải chăng đang xảy ra cuộc chiến ngầm trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc?

- Những thành tựu nổi bật sau một năm rưỡi cầm quyền của Tập Cận Bình, đặc biệt là những cải cách được cho là “độc đoán” của ông. Phân tích trên nhiều khía cạnh khác nhau của cái gọi là “Giấc mộng Trung Hoa”. Với những cải cách của mình, Tập Cận Bình được các nhà phân tích và bình luận quốc tế coi là một “Gor- bachev” của Trung Quốc, thách thức đối với ông là vô cùng lớn và không thể dừng lại.

- Một vài đánh giá về Hội nghị Trung ương 4: Vấn đề nổi bật của hội nghị này là “Pháp trị”, có vai trò như là củng cố ảnh hưởng cá nhân của Tập Cận Bình trong bộ máy Đảng, chính phủ và quân đội, quan trọng hơn còn để đối phó với những áp lực to lớn từ phía quốc tế, cũng như áp lực về kinh tế, chính trị, xã hội đang ngày một tăng cao. Cái kết của nền chính trị “đồng thuận” của Trung Quốc được xây dựng từ thời kỳ Đặng Tiểu Bình có vẻ như đã chấm dứt vào thời kỳ của Tập Cận Bình.

Đây là tài liệu tham khảo có giá trị khi nghiên cứu về nền chính trị Trung Quốc, qua đó có thể rút ra những bài học phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy chính trị học cũng như những vấn đề quan hệ quốc tế.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Nguồn: www.hcma.vn

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT