"Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài".

Chắc hẳn không phải mọi người dân Việt Nam đều hiểu biết một cách tường minh về nguồn gốc lịch sử, vị trí địa lý cũng như việc chiếm hữu, xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng khi nói đến Hoàng Sa và Trường Sa thì không một người dân Việt Nam nào, dù sống ở trong nước hay định cư ở nước ngoài, dù ở miền xuôi hay miền ngược, dù dân tộc Kinh hay dân tộc thiểu số đều không biết đó là vùng lãnh thổ không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Từ lâu, Hoàng Sa và Trường Sa đã được Nhà nước và các thế hệ người Việt Nam chiếm hữu, bảo vệ, quản lý và khai thác. Điều này không chỉ lưu lại trong cổ sử Việt Nam, mà còn được quốc tế thừa nhận trong các tư liệu còn lưu trữ. Trong hơn một thế kỷ qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã quan tâm nghiên cứu, và công bố những công trình sưu tập, nghiên cứu khoa học có liên quan đến những tư liệu nằm trong thư tịch, sách, bản đồ cổ... có giá trị pháp lý chứng minh và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cuốn sách "Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài" của tác giả Trương Minh Dục do Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông phát hành năm 2014 đã tập hợp và hệ thống hóa nguồn thư tịch, tư liệu khá phong phú, cũ và mới, của Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt những tư liệu mới sưu tầm ở các địa phương có liên quan đến việc Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã quản lý, bảo vệ và khai thác quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn đọc những sử liệu và cơ sở pháp lý về chủ quyền quốc gia Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được trình bày khái quát ở 4 chương:

Chương 1: "Vài nét về địa lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và sự tiếp cận của các tộc người Việt Nam trước thế kỷ XV". Chương này khái quát vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên và thổ nhưỡng ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vị trí chiến lược của hai quần đảo này và các tộc người Việt Nam với Biển Đông nói chung và Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng trước thế kỷ XV.
Chương 2: "Chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam (từ thời Hậu Lê - thế kỷ XV đến năm 1975)", cung cấp cho bạn đọc những sử liệu phong phú khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, được ghi nhận trong thư tịch của các triều đại phong kiến Việt Nam, các sách mô tả, khảo cứu của các soạn giả bằng các thể loại thành văn hoặc bản đồ.

Ngoài những trước tác của các học giả đương thời về lịch sử, địa dư của đất nước, trong đó có ghi chép và miêu tả về địa lý tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như quá trình khai phá Hoàng Sa, Trường Sa của các thế hệ người Việt, các bộ chính sử do nhà nước phong kiến biên soạn cũng thể hiện quá trình thực thi chủ quyền (khai thác, quản lý nhà nước) đối với hai quần đảo này một cách liên tục. Thư tịch cổ của các triều đại phong kiến Việt Nam dưới các triều: Lê - Trịnh (1533-1788), chúa Nguyễn (1558-1774), Tây Sơn (1788-1802) và Nguyễn (1802-1945) có nhiều tư liệu ghi chép về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và quá trình khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này trải qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau.

Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như: Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá, tự Công Đạo sưu tầm, biên soạn và hoàn thành năm 1686 dưới thời Chính Hòa (1680-1705) do chỉ đạo của chúa Trịnh Căn; Đại Việt sử ký tục biên (còn có tên Hậu Lê thời sự kỷ lược). Đại Việt sử ký tục biên được chúa Trịnh Sâm sai biên soạn năm 1775; Đại Nam thực lục, đây là bộ chính sử của các vua triều Nguyễn do các Sử thần trong Quốc sử quán thừa lệnh triều đình viết, vì vậy, có tính chính thống pháp lý của nhà nước và là tiếng nói chính thức của nước Việt Nam thời phong kiến cận đại; Đại Nam nhất thống chí, đây là sách địa lý chính thức của triều Nguyễn, do Quốc sử quán biên soạn từ năm 1865 -1910. Vì sách soạn xong vào đời Duy Tân, nên đương thời sách được các nhà nghiên cứu người Pháp gọi là Gesographie de Duy Tân. Đây là bộ sách thể hiện được tất cả ranh giới chủ quyền của vương triều Nguyễn (cả trên đất liền và hải đảo). Ngoài ra, còn có thể kể đến một số tác phẩm như: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ; Khải đồng thuyết ước và bản đồ Việt Nam ghi chú đảo Hoàng Sa; Quốc triều chính biên toát yếu, hay các công trình nghiên cứu, khảo tả của các soạn giả Lê Quý Đôn, Lê Đản, Phan Huy Chú,...

Quá trình thực thi chủ quyền Việt Nam tại hai Hoàng Sa và Trường Sa thời kỳ từ năm 1884-1975 tiếp tục được thể hiện rõ nét dưới thời Vua Bảo Đại: Năm 1938, Vua Bảo Đại ra Chỉ dụ số 10 ngày 29 tháng 02 năm Bảo Đại thứ 13 (tức ngày 30-3-1938), tách quần đảo Hoàng Sa khỏi địa hạt tỉnh Nam - Ngãi nhập vào tỉnh Thừa Thiên. Một số châu bản của Hoàng đế Bảo Đại, đến Tuyên bố tại Hội nghị San Fancisco năm 1951 tiếp tục khẳng định việc Việt Nam thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa... Cùng với nguồn tài liệu là các văn bản của Nhà nước, hệ thống các di tích lịch sử và văn hóa tại huyện đảo Lý Sơn đã khẳng định: Việt Nam thực thi chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ rất sớm và liên tục cho đến nay.

Chương 3: "Tư liệu nước ngoài trực tiếp và gián tiếp khẳng định chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", bao gồm: tư liệu, thư tịch của Trung Quốc trực tiếp và gián tiếp thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam; tài liệu phương Tây ghi nhận chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và một vài nhận xét, đánh giá.

Theo chính sử Trung Hoa, trong suốt chiều dài lịch sử 22 thế kỷ, từ thời nhà Tần (năm 221 tr.CN) - khi nhà Tần thống nhất đất nước đến năm 1949, khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, không thấy tài liệu nào, hay nói rõ hơn, không có câu chữ nào ghi rằng Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải) với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Trong khi đó, không ít thư tịch cổ Trung Hoa, do chính người Trung Hoa ghi lại trong trong lịch sử đã trực tiếp hay gián tiếp thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, ví dụ như: cuốnHải ngoại kỷ sự (1695) của Thích Đại Sán, một nhà như Trung Quốc đời Khang Hy; cuốn Hải lụctrong bộ Hải quốc đồ ký của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) hay như cuốn Đại Thanh nhất thống chído Quốc Sử quán nhà Thanh biên soạn năm 1842 với lời tựa của Hoàng đế Thanh Tuyên Tông, cũng không có chỗ nào ghi Thiên Lý Trường Sa hay Vạn Lý Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa) là của Trung Quốc.

Trong khi đó, lại có rất nhiều tư liệu của các học giả phương Tây chứng minh rằng, từ hơn 5 thế kỷ trước, Việt Nam đã xác lập chủ quyền quốc gia trên quần đảo Hoàng Sa (và Trường Sa). Chủ quyền này đã được các nhà bản đồ học, các nhà hàng hải, nhà phát kiến địa lý... phương Tây thừa nhận và ghi chú lên những tấm bản đồ địa lý và bản đồ hàng hải của họ. Đây là những tư liệu quý, góp phần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Chương 4: "Đấu tranh để khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ sau khi thống nhất đất nước". Nội dung chương 4 trình bày sơ lược quá trình Trung Quốc và các nước vi phạm chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; phương pháp, hình thức đấu tranh để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ năm 1975 đến nay.

Ngoài những nội dung chính được trình bày ở 4 chương nói trên, cuốn sách còn có phần phụ lục khá phong phú giới thiệu một số hình bản đồ cổ của Việt Nam, phương Tây và Trung Quốc là minh chứng trực tiếp hay gián tiếp khẳng định, bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ năm 1884-1975.

*****

Lịch sử Đông Tây từ xưa đến nay cho thấy, chủ quyền lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi quốc gia. Vì vậy, quá trình phát triển của mỗi dân tộc đã hình thành ý thức về chủ quyền và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Những cứ liệu lịch sử đã được công bố là căn cứ lịch sử và pháp lý khẳng định rằng, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam đã làm chủ thực sự muộn nhất là từ đầu thế kỷ XVII, khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thực sự, liên tục và hòa bình.

Chủ quyền biển đảo nói chung, chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nói riêng là một vấn đề rộng lớn, phức tạp. Những tư liệu được hệ thống và công bố trong cuốn sách này là tiền đề cho nghiên cứu tiếp theo, góp phần thiết thực cho quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý của các cơ quan quản lý và các tổ chức nghiên cứu khoa học vì sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa./.

 Bùi Thanh

Nguồn: www.hcma.vn


Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

MỚI CẬP NHẬT

XEM NHIỀU NHẤT